Làm Thái thượng hoàng Tống Hiếu Tông

Mâu thuẫn cung đình

Không lâu sau khi Quang Tông lên ngôi, Thọ hoàng hạ chiếu lập Nguyên phi Lý thị làm hoàng hậu. Lý hậu áp chế Quang Tông, tiếm quyền triều chính, ngang ngược bất pháp.

Đầu năm 1190, Quang Tông triều yết cung Trùng Hoa, nhận sách bảo từ Thọ hoàng. Tháng 8 ÂL, Quang Tông lại suất quần thần đến cung Trùng Hoa dâng Thọ hoàng ngọc điệp và nhật lịch[38]. Về sau Quang Tông mắc bệnh, Thọ hoàng cho tìm ngự y chế ra ít thuốc định đợi lúc Quang Tông đến vấn an thì ban cho. Lũ nội thị chớp cơ hội gièm pha với Lý hậu. Lý hậu tin là thật nên tìm cách ngăn trở Quang Tông đến cung Trùng Hoa. Mùa đông năm 1191, Lý hậu nhân lúc có yến tiệc, hậu xin Quang Tông lập con trai mình là Gia vương Khoáng làm hoàng thái tử, rồi đích thân đến cung Trùng Hoa bẩm với Thọ hoàng. Thọ hoàng khi đó có ý muốn lập người con trai của Ngụy vương Triệu Khải, theo đúng thân phận đích tôn, nên từ chối không theo. Lý hậu uất ức, về tâu với Quang Tông việc Thọ hoàng có ý phế lập[38]. Vì thế Quang Tông nghi hoặc và từ đó bỏ việc triều yết Thọ hoàng. Về phần Thọ hoàng nghe tin Quang Tông có bệnh vội đến thăm; thấy hoàng hậu thì tức giận mắng nhiếc Lý hậu khiến hậu đã hận lại càng thêm hận[38].

Cuối mùa xuân năm sau (1192), Quang Tông đỡ bệnh, lên triều nghe chính. Trước kia vào mỗi dịp lễ tết đều thiết triều ở cung Trùng Hoa, nhưng vì Quang Tông ốm đau nên Thọ hoàng cho miễn. Đến đây quần thần lại xin thiết triều ở đó, Quang Tông không theo. Thấy thế, bách quan lại quỳ trước cửa cung kêu xin, Quang Tông mới miễn cưỡng chấp nhận; đến triều yết cung Trùng Hoa vào đầu mùa hạ. Đầu mùa đông, Quang Tông lại một lần nữa đến chỗ Thọ hoàng tiến hương; nhưng sau đó thì nội thị Trần Nguyên do trước kia bị Thọ hoàng đuổi đi đã sinh oán hận, liền tìm cách li gián hai cung. Cho nên dù bệnh đã khỏi mà Quang Tông cũng không đến thỉnh an Thọ hoàng. Ngày 23 tháng 12, thừa tướng Lưu Chính suất bách quan đến cung Trùng Hoa chúc mừng Thọ hoàng nhưng Quang Tông không có mặt. Nhiều đại thần lên tiếng khuyên can Quang Tông cũng không theo. Lại bộ thượng thư Triệu Nhữ Ngu bày tỏ thái độ giữa triều, Quang Tông mới tỏ ra tỉnh ngộ. Ngày 28, Quang Tông cùng Lý hậu đến triều yết cung Trùng Hoa và trò chuyện cùng thọ hoàng suốt buổi[38].

Tết Nguyên đán năm Thiệu Hi thứ tư (1193), Quang Tông cùng Lý hậu đến cung Trùng Hoa và ở đến tận cuối xuân. Sau đó lại cùng Thọ hoàng và Thọ Thành hoàng hậu đi chơi ở vườn Ngọc Tân. Đến tháng 10, nhân tiết Trọng Minh và cũng là ngày sinh Quang Tông, trăm quan xin về cung Trùng Hoa, Quang Tông không đồng ý. Cấp sự trung Tạ Thâm Phủ dâng sớ nói

Tình cảm cha con là do trời định. Thái thượng yêu thương Bệ hạ chẳng khác chi Bệ hạ yêu thương Gia vương. Nay thái thượng tuổi đã cao, sau này Người thiên thu vạn tuế rồi, Bệ hạ biết nhìn thiên hạ như thế nào đây?[39]

Quang Tông thấy phải. Ngày 17 tháng 10, mệnh bách quan theo mình đến triều yết Thọ hoàng, nhưng rốt cục bị Lý hậu cản trở. Tháng 11, Bí thư tỉnh lại dâng sớ cầu xin và cũng không được hồi đáp. Thọ hoàng khi đó ở trong cung rất muốn gặp Quang Tông. Vào dịp Khánh tiết, đáng lý Quang Tông phải đến chúc mừng Thọ hoàng nhưng lại không đến, chỉ có Cát Bật suất trăm quan chúc mừng mà thôi. Gia vương phủ dực thiện Hoàng Thường, bí thư lang Bành Quy Niên xin đế triều yết cung Trùng Hoa và đuổi bọn nội thị Dương Thuấn Khanh, Trần Nguyên; Quang Tông cũng chả để ý[39]. Ngày 22 tháng 11, Quang Tông lại xưng bệnh không chịu gặp Thọ hoàng. Từ tể tướng trở xuống đều dâng sớ tự trách[39]. Mãi đến Tết nguyên đán năm sau (1194), Quang Tông mới chịu đến cung Trùng Hoa và cung Từ Phúc chúc thọ, và đây là lần cuối cùng Thọ hoàng gặp Quang Tông.

Qua đời

Ngày 3 tháng 2 năm 1194, Thọ hoàng bắt đầu cảm thấy không khỏe. Sang tháng 4 ÂL, bệnh tình đã trở nặng mà không thấy Quang Tông đến thăm. Quần thần nhiều lần liên danh cầu xin cũng chẳng ăn thua, sau đó Quang Tông còn cùng Lý hậu đi chơi vườn Ngọc Tân mặc cho thượng hoàng sống chết thế nào[39]. Binh bộ thượng thư La Điểm xin về cung Trùng Hoa, Trung thư xá nhân Bành Quy Niên dập đầu cầu xin đến chảy máu, Quang Tông vẫn không theo. Về sau quần thần lại liên danh cầu xin, Quang Tông mới chấp nhận nhưng cuối cùng lại không đi. Tháng 5 ÂL, Thọ hoàng bệnh tình nguy kịch, rất muốn gặp Quang Tông, đã sai tả hữu đến triệu nhiều lần. Lưu Chính dẫn đầu trăm quan cầu xin, Quang Tông phất tay áo bỏ đi vào trong cung. Hai hôm sau Lưu Chính lại cầu xin cũng không được, bèn cùng trăm quan ra Chiết Giang đình chờ tội, Quang Tông chẳng thèm để ý. Thọ hoàng được tin, triệu Hàn Thác Trụ (cháu rể của thái hậu) vào hỏi chuyện và đồng ý cho Thác Trụ ra triệu mọi người vào thành[39]. Cuối cùng La Điểm, Bành Quy Niên, Hoàng Thường... thuyết phục được Quang Tông cử Gia vương Khoáng đến thăm hỏi Thọ hoàng. Vương đến nơi, Thọ hoàng tỏ ra xúc động, nước mắt chảy dài.

Đêm Mậu Tuất tháng 6 ÂL năm Thiệu Hi thứ 5 (28 tháng 6 năm 1194), Thọ hoàng mất ở cung Trùng Hoa. Di chiếu đổi cung Trùng Hoa thành cung Từ Phúc cho thái hậu ở, xây cung khác cho Thọ Thành hoàng hậu; và đem 100 vạn mân tiền ban cho quân lính trong ngoài[39]. Hiếu Tông ở ngôi 27 năm, làm thượng hoàng 5 năm, thọ 68 tuổi. Lưu Chính, Triệu Nhữ Ngu liên danh mời Quang Tông đến cung Trùng Hoa chịu tang. Quang Tông không nghe. Các đại thần lấy cớ đó ép Quang Tông thoái vị, đưa Gia vương Khoáng lên ngôi, tức là Tống Ninh Tông[39].